Đánh giá Tống Phúc Thị Lan

Theo Nguyễn Phước tộc thế phả[42]

Bà là người nhân hậu, cần kiệm, biết yêu thương mọi người. Trong lúc bôn ba nơi gian hiểm, bà tự tay may nhung phục cho quân sĩ. Một hôm đi thuyền gặp địch, Thế Tổ liền giục quân cố sức đánh, hậu cũng cầm trống thúc quân khiến tướng sĩ nức lòng, tranh nhau phấn đấu, bèn đánh được địch. Đức hạnh của bà thật xứng là bậc mẫu nghi trong thiên hạ, đúng với câu được ghi trong sách lập Hoàng hậu: Hòa dịu cần kiệm tỏ đức hay, làm khuôn mẫu cho mọi gia đình/Đem phong hóa quan thư[Ghi chú 12] khiến Tu, Tề, Trị, Bình[Ghi chú 13] được trông cậy.

Trích tờ tấu của Vũ Xuân Cẩn dâng lên vua Tự Đức năm 1848[43]

Thừa Thiên Cao hoàng hậu giúp Thế tổ Cao hoàng đế ta, rừng biển gập ghềnh, trải mùi gian khổ, sinh ra Anh Duệ thái tử, tuổi mới lên 4, đã vâng mệnh đi sang Tây dương, góc biển bên trời, một chuyến đi 6 năm. Ngày trở về tiến phong làm Nguyên soái, chính vị Đông cung, giữ thành Gia Định, trấn đất Diên Khánh, thu lại Bình Thuận, lấy lại Phú Yên. Khi đi theo thì coi quân, khi ở nhà thì coi nước. Ba quân vâng theo mệnh lệnh, trăm họ trông nhờ ơn uy, công nghiệp rỡ ràng, tiếng tăm lừng lẫy.

Sử gia Nguyễn Khắc Thuần[44]

Xét đạo làm vợ, bà là người tiết hạnh và thủy chung son sắt, một lòng một dạ chăm lo cho cơ nghiệp của chồng, cho nên không thể vì việc trách cứ chồng bà là Nguyễn Phúc Ánh (tức Hoàng đế Gia Long) mà quên việc ghi nhận chút lòng trung trinh của bà được. Xét dạo làm dâu, bà là người ăn ở chí tình, lúc bôn tẩu đó dây cũng như khi yên hưởng thái bình đều một lòng cung kính mẹ chồng, cho nên, chẳng thể vì coi nhẹ triều Nguyễn mà quên mất đức lớn của bà kể từ khi xuất giá. Cổ nhân nói: lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng, hẳn là đại loại như thế chăng?Chặt đôi nén vàng tốt để giao cho bà một nửa làm tin, ấy là biểu hiện sự hoang mang của Nguyễn Phúc Ánh lúc phải chạy đi sống lưu vong, còn như bắt Nguyễn Phúc Ánh phải làm tờ giao ước khi nhờ bà nhận Nguyễn Phúc Đảm làm con nuôi là biểu hiện sự cẩn trọng của bà đối với bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, cũng là cẩn trọng đối với cả chính Nguyễn Phúc Ánh nữa.Sự cẩn trọng của bà là hơi quá chăng? Tiếc là không phải hơi quá mà là rốt cuộc vẫn chưa đủ. Về sau, Minh Mạng đã khiến cho con dâu và hai cháu nội của bà, người bị dìm chết, người bị mang họa vô luân, cả đến chắt của bà cũng không yên thân nổi. Thương thay!